Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

THƠ VƯƠNG TÙNG CƯƠNG . . . (12/ 2011)



                                                                        
                                      THÁC FRENN - DALAT


VƯƠNG TÙNG CƯƠNG 


Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam . Quê Bắc Giang. Hiện đang ở tại thành phố Đà Lạt. Đã xuất bản nhiều tập thơ...



EM

Em vừa đi cơn mưa ập tới
thương bước đường lầy lội em qua
chợt tin nhắn phía mưa chan gió nổi:
thắp nến lên cho bớt lạnh anh à...

HOA SƯA

Chúng mình đừng bao giờ ly biệt
Lời thủ thỉ dưới hoa sưa
                         chứng giám mong manh
Giờ về tìm hoa hỏi lời nguyện ước
Hoa sưa đã qua mùa
                          em cũng đã xưa.



                                                         
                                      HOA MIMOZA Ở DALAT                   

MIỀN GIÓ TÍM

Bất chợt màu hoa dại
Mắt đắm say thẫn thờ
Mê man miền gió tím
Bước lạc chiều ban sơ.

Như tình mình đi qua
Bao tháng ngày mưa nắng
Gió thương em cùng ta
Hoang vu và sâu nặng.

Hoa lạ triền núi vắng
Đẫm sắc hương không mùa...



Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

THẦN ĐỒNG XƯA - NGUYỄN TRUNG NGẠN



          NHÂN KỶ NIỆM 180 NĂM
          THÀNH LẬP TỈNH HƯNG YÊN



                                                                    
                                  VĂN MIẾU Ở HƯNG YÊN

THẦN ĐỒNG XƯA -

NGUYỄN TRUNG NGẠN


Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) hiệu Giới Hiên người làng Thổ Hoàng nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng, có chí lớn. Mười hai tuổi ông đỗ thái học sinh. Khoa thi Giáp Thìn, 330 người thi có 44 người đậu. Trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi tên những người đỗ đầu: Mạc Đĩnh Chi - Trạng nguyên, Bùi Mộ - Bảng nhãn, Trương Phóng - Thám hoa và Nguyễn Trung Ngạn - Hoàng giáp. Năm hai mươi bốn tuổi, ông được cử làm quan gián, tức Gián nghị đại phu, chức quan có nhiệm vụ can gián vua. Hai mươi sáu tuổi, ông được cử đi sứ phương Bắc. Về những dấu mốc đó trong cuộc đời, ông có một bài thơ tự bạch:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí
Diệu linh dĩ hữu thốn Ngưu chí
Niên phương thập nhị thái học sinh
Tài đăng thập lục sung đình thí
Nhị thập hựu tứ nhập gián quan
Nhị thập hựu lục Yên Kinh sứ.

Nghĩa:

Giới Hiên tiên sinh tài trong triều
Từ nhỏ có chí nuốt sao Ngưu
Đỗ thái học sinh mười hai tuổi
Vào tuổi mười sáu dự thi đình
Tuổi hai mươi bốn làm quan gián
Tuổi hai mươi sáu sứ Yên Kinh.

Tính ông cương trực, có ý thức bảo vệ quốc thể. Lần ấy, sứ Nguyên là Mã Hợp Mưu sang ta. Bọn Mưu cứ nghêng ngang cưỡi ngựa đi khắp, đến bờ ao Tây Thấu chỗ đã có biển báo Hạ mã hắn vẫn không chịu xuống đi bộ. Có quan trong triều biết tiếng Hán ra giải thích, bọn chúng không chịu, suốt từ giờ Thìn đến giờ Ngọ (ba, bốn giờ), khí giận đôi bên đều tăng. Nguyễn Trung Ngạn ra, lấy lẽ bẻ lại, bọn Hợp Mưu mới chịu. Vì trực tính, có một lần ông can vua không được, trái ý, ông phải đổi đi nhiều nơi: làm An phủ sứ (An phủ sứ: bình định cho yên dân) Thanh Hoá, An phủ sứ Ngệ An, Tào vận sứ (coi việc chuyên chở đường nước) Khoái Châu, Kinh lược sứ (trù hoạch toàn bộ việc binh việc dân) Lạng Giang…Giữa các thời kỳ đó, ông cũng có nhiều năm tháng ở trong triều, được phong đến Phó nội sứ viện Nội mật, coi việc chép sử ở viện Quốc sử, lại được thăng đại học sĩ làm ở toà Kinh duyên trụ quốc, tước Thân Quốc công. Ông đã cùng với Trương Hán Siêu biên định tập sách Hoàng triều đại điển và bộ Hình luật thư…
Là một nhà chính trị, ngoại giao tài năng, song tính Nguyễn Trung Ngạn thích ngâm vịnh, xướng hoạ. Ngoài những tập sách biên soạn chung, ông còn có tập thơ riêng: Giới Hiên thi tập. Đánh giá cao tập thơ này, nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép 81 bài thơ của ông vào trong tuyển thơ lớn của mình: Toàn Việt thi lục. Trong khi nhiều tác giả khác, nếu được tuyển vào đó dăm ba bài cũng đã là vinh hạnh lắm. Một học giả khác có nhận xét về thơ Giới Hiên: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách thơ Đỗ Phủ”. Thơ Nguyễn Trung Ngạn chủ yếu là ca ngợi giang sơn cẩm tú, thiên về hoài niệm. Làm quan trải năm triều vua Trần (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông), qua lại, ở Thăng Long đến mấy chục năm, ông có bài Nhớ thành Tràng An xưa (Tràng An thành hoài cổ), có phần xa xót trước cảnh dâu bể:

                                                         

              CHÙA CHUÔNG Ở PHỐ HIẾN - HƯNG YÊN             

 

Mộc lạc hoà điêu đế nghiệp dư
Lý gia thu đặc bản đồ quy
Sơn vi cố quốc quy mô tiểu
Trúc ám hoang thành thảo mộc phi
Cổ tự tăng chung xao lạc nhật
Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy
Anh hùng cựu sự vô tầm xứ
Độc ỷ giang đình khán thuý vi

Dịch thơ:

Xơ xác hoa cây nghiệp đổi thay
Bản đồ nhà Lý nắm trong tay
Nước xưa núi bọc quy mô nhỏ
Trúc rợp thành hoang, củi cỏ đầy
Chùa cũ chuông sư, vầng nhật rụng
Suối ngang sáo mục, ánh chiều lay
Anh hùng việc cũ tìm đâu thấy
Ngắm núi bên sông, tựa quán này

Ngô Văn Phú dịch

Thời làm An phủ sứ vùng đất Thanh Nghệ, ông đã nhiều lần qua cửa biển Thần Phù (Thần Đầu). Đó là một miền sóng gió nguy hiểm Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm - Ca dao, nhưng cũng là nơi phong cảnh rất tuyệt đẹp. Trong bài thơ Cửa biển Thần Phù chiều đậu thuyền (Thần Đầu cảng khẩu vãn bạc) của ông có đoạn:

Rồng về cửa động sương gieo
Kình phun gió nổi bóng chiều ngút trông
Thuyền một lá, cảnh mênh mông
Ngỡ mình đã tới tiên cung ánh ngời

(Long quy động khẩu tình sinh vụ/ Kình phún triều đầu mộ khởi phong/ Độc phiếm lan chu quan hạo đãng/ Hốt nghi thân tại lạn ngân cung).
Bình về thơ trong Giới Hiên thi tập, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi: “Nhiều câu thơ hay, thơ tứ tuyệt càng hay, không kém gì thơ Thịnh Đường”. Một trong số các bài tứ tuyệt mà nhiều sách đã chọn dịch là Cảm hứng trên đường về (Quy hứng):

Lão tang diệp lạc tàm phương tận
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Nam Giang tuy lạc bất như quy.

Nghĩa: Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua đang lúc béo/ Nghe nói ở nhà nghèo nhưng vẫn tốt hơn/ Nam Giang tuy vui nhưng đâu bằng về với quê nhà.
Nam Giang tức đất Giang Nam, một tỉnh lớn của Trung Quốc, trên đường ông về qua. Thời Nguyễn Trung Ngạn đi sứ, hai nước hữu hảo, việc đón tiếp nồng hậu, hẳn là những bữa tiệc: Nào gân hươu vây cá/ Thịt lợn dê đầy bàn (Lộc cân tạp ngư xí/ Mãn trác trần trư dương…). Song, dù vui nơi đất khách, tác giả vẫn vẫn luôn nhớ về những hương vị quê nhà: cuộc sống dung dị, tình làng nghĩa xóm, trong lành yên ả. Tất nhiên, việc đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn ngày xưa với kiều bào ta ở nước ngoài ngày nay khác nhau lắm lắm.
Bài thơ trên đây, có một bản dịch rất đạt của cụ Bùi Huy Bích, in trong Hoàng Việt thi văn tuyển:

Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.

Xa nhà vạn dặm, những lúc sống trong cao lương mỹ vị, tấm lòng ấy của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn đã biểu hiện bản lĩnh kiên định, đức trung hiếu, những phẩm chất cao quý của người Việt.
DP
 

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

ẢNH VỀ TRUNG QUỐC



                                                                         
                                      NV, NB ĐOÀN CẢNH MẠNH 
                      TRAO HỌC BỔNG CHO HỌC SINH VƯỢT KHÓ

Nhà văn, nhà báo Cảnh Mạnh - 
 Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang
Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương

gửi Admin ĐỀN THƠ MỚI mấy tấm ảnh 
ghi lại cảnh Trung Quốc 
trong một chuyến mới du ngoạn. 
Mời các bạn cùng xem (nên bấm vào giữa mỗi ảnh): 


10 tệp đính kèm — Tải xuống tất cả tệp đính kèm   Xem tất cả ảnh  
Dai le duong 1.jpgDai le duong 1.jpg
88K   Xem   Tải xuống  
IMG_0313.jpgIMG_0313.jpg
1174K   Xem   Tải xuống  
IMG_0758.jpgIMG_0758.jpg
1202K   Xem   Tải xuống  
IMG_1099.jpgIMG_1099.jpg
1454K   Xem   Tải xuống  
IMG_1003.jpgIMG_1003.jpg
2231K   Xem   Tải xuống  
IMG_1010.jpgIMG_1010.jpg
1674K   Xem   Tải xuống  
IMG_0941.jpgIMG_0941.jpg
1664K   Xem   Tải xuống  
thap Minh chau.jpgthap Minh chau.jpg
113K   Xem   Tải xuống  
IMG_0684.jpgIMG_0684.jpg
1656K   Xem   Tải xuống  
IMG_0574.jpgIMG_0574.jpg
1498K   Xem   Tải xuống  







Hiển thị chi tiết

LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN




                                                                             

NGUYỄN KHÔI

   VỀ CÂU THƠ - Lá trúc
   che ngang mặt chữ Điền



Kể từ khi Tử viết bài thơ "Đây thôn Vỹ DẠ " gứi Cúc đến nay đã được 71 năm...mà cái "án" văn chương này còn biết bao điều kỳ bí để người đời tốn biết bao bút mực (hàn mặc) bàn tán về Nó ?Đấy là cái duyên thơ, cái "son phấn có thần,thơ vô mệnh" cho dù người viết tặng và người được tặng đã đi vào thiên cổ nhưng Thơ thì vẫn cứ làm day dứt lòng người yêu Nó ? Nguyên tác bài thơ là "Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ"- Thi sĩ viết khi đang nằm trên giường bệnh(1939) là lúc Hàn Mạc Tử đang đau khổ lánh mình với nguồn thơ tuôn 2 dòng lệ...rồi chết sau đấy đúng 1 năm tròn ! Đây là tình yêu đơn phương của Tử với Hoàng Thị Kim Cúc( bút
danh "Hoàng Hoa thôn nữ")-HMT sinh 22/9/1912 Nhâm tý.HTKC sinh 5/12/1913 Quí sửu- trai hơn 1 đẹp đôi, nhưng Nhâm/Quí thì thôi rồi...Số là mùa hè năm 1939 Cúc nể tình Người em họ ( Hoàng Ngâm- bạn thân của Tử) khuyên " Chị nên viết thư thăm Tử (mặc dù không yêu) hãy an ủi 1 tâm hồn đau khổ" thay vào viết thư, Cúc đã gửi 1 bức ảnh chụp phong cảnh nhỏ vừa bằng cái Carte Visite. Trong ảnh có mây có nước,có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò,có mấy khóm tre ( không có cau),có cả ảnh ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước...Cúc viết mấy lời thăm sức khỏe sau bức ảnh mà không ký tên,rồi nhờ Ngâm trao cho Tử.Sau đó 1 tháng Cúc nhận được 1 bì thư trong đó có bài thơ " Ở đây thôn Vỹ Giạ" cũng do Ngâm gửi về cho chị.Đây là một sự "không ngờ" về sức tưởng tượng phi thường của Thi nhân quá khác thường: đã biến bức ảnh thành hình ảnh Bến sông Thôn Vỹ Giạ lúc hừng đông hay đêm trăng, trong đó
có cả Cô gái "lá trúc che ngang ..." làm người ta liên tưởng là cô gái đó mặc áo trắng vì câu "áo Hàn Mặc Tử em trắng quá nhìn không ra" rất ảo huyền viễn mộng...Bài thơ Tử ký 11/1939.


                                                                                 

Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ

Sao anh không về chơi thôn vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?

Bài thơ mở đầu như "thác" lời của Cúc gửi Tử, rồi là niềm tâm sự của thi nhân với " ý trung nhân" - "mặc Nàng không yêu, ta cứ yêu" Nàng Thơ của lòng ta ?. Bài thơ có 2 cái đáng chú ý :
*-1,Nguyên tác "Ở đây thôn Vỹ Giạ". Chữ"Ở" Thi sĩ dùng có chủ ý nhằm nhấn mạnh cái tên
Thôn Vỹ "ở đây sương khói mờ nhân ảnh" (tình yêu với Cúc chỉ là ảo, sương khói mà thôi...).
*-2, Về Cô gái trong "Lá trúc che ngang mặt chữ Điền" đó là cô gái do sức tưởng tượng của Thi nhân mà hiện ra thôi "...Nay ta xem lai di ảnh Nhà Giáo- cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (1913- 1989) thì đúng là Cúc có khuôn mặt chữ ĐIIỀN phúc hậu...chứ không phải như ai đó (Thang Ngọc Pho và V,V...) quả quyết đó là chữ ĐIỀN- Hán tự đắp nổi ở "mặt trước phía trên cổng các nhà Quí tộc Huế " hay ở các tấm bình phong trước nhà...
*
*Theo "bút ký về thôn Vỹ của một người thôn Vỹ là Nguyễn Thị Kim Thoa" đăng trên diendan@diendan.org (Paris) ngày 15-10-2011 "Thôn Vỹ- xao xuyến nhớ" đã viết :"Hàn Mạc Tử trong bài thơ nổi tiếng "Đây thôn Vỹ Dạ "(Vy dã) mô tả Nàng thơ trong bối cảnh đặc thù và không gian chung của thôn Vỹ, chứ không mô tả cảnh vườn nhà cô Cúc . Vườn nhà cô Cúc không có nắng hàng cau, không có lá trúc che nghiêng, không có hoa bắp lay...Cô Cúc ngoài khuôn mặt chữ ĐIỀN và những nét đẹp đã nhập thế vào trong từng câu từng chữ trong bài thơ của Thi sĩ đã cảm nhận, cô còn nổi tiếng trong cư dân Vỹ Dạ là "người con gái tinh khôi" luôn mặc áo trắng, áo lam, từ dáng đi, giọng nói, cử chỉ luôn thể hiện vẻ khoan thai , từ tốn, dịu dàng , đôn hậu của một nữ cư sĩ Phật giáo. Cô Cúc còn nổi tiếng là có kiến thức về ẩm thực Huế,về tài nấu ăn và sắp xếp nhà cửa.
Cô đã xuất bản 2 tập "Những món ăn nấu lối Huế" in ở nhà in Tân Dân -41 đường Gia Hội năm 1945."

*

Cảm thương về chàng Thi sĩ tài hoa từng thầm yêu trộm nhớ mình,nay đã khuất..."Hoàng Hoa thôn nữ" đã âm thầm viết bài thơ ( và ở vậy suốt đời ?) :

ĐỀ TẶNG HƯƠNG HỒN
       ANH HÀN MẠC TỬ

Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Cũng biết cách xa ngoài vạn dặm
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ

Một mình một cõi với trời mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Tiếng vang muôn thuở vẫn còn đây

Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa cảnh đời náo nhiệt
Tình ai ai vẫn cứ đậm đà.
Đầu xuân Tân tỵ-1941
Hoàng Hoa

NK tôi vốn yêu thơ Hàn Mạc Tử từ khi còn đi học, mùa hè năm 2006 vào Huế đến Thôn Vỹ
Giạ tìm dấu Người xưa, cảm tác :

HỌA THƠ THÔN VỸ

Đã bao người họa Thơ Thôn Vỹ ?
Dù mới ngang qua đã chạnh lòng
Thoáng nét thôn xưa chừng bỡ ngỡ
Gieo chút buồn xưa để bâng khuâng

Sao không về lại...ai kia nhỉ ?
Cứ như Lá trúc chắn nẻo về
Thà cứ là mây theo lối gió
Xin mãi là Trăng trong mộng mê

Ừ,sao ta không về Thôn Vỹ ?
Tìm dấu Người xưa để ngẩn ngơ
Tình như sương khói mờ nhân ảnh
Để vẩn vơ hoài Thơ với Thơ.

Viết tại Huế 6-2006
Sửa tại Hà Nội 16-10-2011
Nguyễn Khôi- cẩn bút

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

BẮC GIANG - HỘI THẢO THƠ


                                                                                                                                           



                                                                             
                                            TIẾT MỤC DIỄN THƠ  


                   ĐỔI MỚI THƠ
           VẪN GIỮ CĂN CỐT     
       
       Tham luận của Duy Phi 
      tại Hội thảo (ngày 11/ 11/ 2011)
     Thơ Bắc Giang 10 năm đầu thế kỷ XXI

   Mười năm qua,  đã hai đợt, tỉnh Bắc Giang trao giải VHNT Sông Thương lần thứ nhất, lần thứ hai, các giải cao đã trao cho Anh Vũ, Duy Phi, Tô Hoàn, Trịnh Kim Hiền, Quách Đăng Khoa, Kim Ô, Nguyễn Thị Phụng… Một số cây bút thơ Bắc Giang đạt được giải quốc gia: Đoàn Nguyên với bài thơ Dì tôi, Chu Ngọc Phan với chùm thơ ba bài. Anh Vũ với trường ca Lòng chảo khác, Nguyễn Thị Phụng với tập thơ Sen. Mười năm qua, Hội VHNT Bắc Giang đã tạo điều kiện cho xuất bản nhiều tập thơ tác giả, có 6  tuyển chọn thơ chung, trong đó đặc biệt là tập Thơ Bắc Giang thế kỷ XX và tuyển thơ Sắc núi ngàn năm, cũng là nghìn năm thơ Bắc Giang- miền thượng Kinh Bắc. 
Trong Tuyển thơ Bắc Giang thế kỷ XX, nối tiếp thơ của các bậc tiền nhân: Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng, Lê Đạt, Anh Thơ… , cùng các nhà thơ quê Bắc Giang định cư nơi khác: Trần Ninh Hồ, Lê Quang Trang, Phùng Khắc Bắc, Vương Tùng Cương, Đặng Vương Hưng…, có những vần thơ của Đỗ Vinh, Quách Đăng Khoa, Ngô Đạt, Nguyễn Bộ… Cách đây mười năm, các nhà thơ Trịnh Kim Hiền, Tân Quảng, Đoàn Nguyên, Vũ Kim Loan, Trọng Việt, Vũ Hoàng Nam… chưa ai có tập thơ riêng, bây giờ mỗi cây bút thơ ấy hầu như đều có một hoặc vài ba đầu sách. Trong tuyển thơ Sắc núi ngàn năm, xuất bản năm 2010, có thêm nhiều gương mặt thơ mới: Trần Hồng Minh, Nguyễn Anh Thân, Trần Thị Chung, Hà Thao… 
 Không chỉ các nhà thơ làm thơ mà một số nhà văn, hoạ sĩ cũng làm thơ, một số đã có một hoặc nhiều tập thơ: Đặng Tiến Huy, Hà Quang Thiều, Ngô Đạt, Duy Lập, Ngô Minh Bắc… Một số tác giả trẻ, góp thơ trẻ vào tuyển thơ, tạp chí: Mai Phương, Phạm Thị Thu Hương, Nông Thị Hưng… 
Mười năm qua, có hai tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam: Anh Vũ, Duy Phi. 
Thơ Bắc Giang thời gian qua có nhiều bài hay, ví dụ bài thơ Dì tôi của Đoàn Nguyên: 
Tu chùa còn được ngắm bia
Còn hương khói với trời kia đất này
Dì tôi tu chợ ngày ngày
Bao nhiêu cay cực đoạ đày dì tôi.
   Có những bài thơ nhiều bạn đọc nhớ:
Cây lớn cả khi người ngủ
Mê mải xanh ngày xanh đêm
Sao nỡ chặt vào ngọn suối
Sao nỡ chặt vào tiếng chim.   
         (Cây- Trịnh Kim Hiền)

 Chặt đổ một bóng cây
 Rồi vứt dao ngồi thở
Trách trời sao nắng quá
Trách đời không bóng râm.
              (Trách - Kim Ô)   
Câu thơ tâm đắc về rừng
Bỗng dưng vô nghĩa, bỗng dưng nhạt nhòa
Cụng nhau ly rượu bách xà
Lùa bầy rắn độc bò qua miệng mình.
          (Rượu bách xà - Tân Quảng) 
 Đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, trong tuyển Thơ về Hà Nội, do Báo Văn nghệ và Đài PT TH Hà Nội chọn và đề rõ trong sách: “Những bài thơ hay”, Chi Hội ta, có 3 tác giả: Anh Vũ, Duy Phi, Chu Ngọc Phan.  
   Bài Dạo quanh làng gốm Bát Tràng của Chu Ngọc Phan có những câu thơ nhiều bạn đọc khen ngợi:
Trên nghìn độ đất thó mới nên tranh
Anh thợ đốt lò say sưa chuyện lửa…
Tôi giật mình, nõn nà em thiếu nữ
Chẳng ngờ qua lửa biếc mới thành xinh? 
    Anh Vũ có chùm thơ mới in báo Văn nghệ:
 Này mái bếp tuổi thơ bồ hóng đu đưa đen kịt
Tôi là rổ rá gác khói không mối mọt bao giờ
lại thoảng mùi cơm chín tới với lạc giã canh dưa
mẹ vẫn phần tôi củ khoai vùi nưng nức… 
                                  (Bếp ấm)

                     
                                                 NGÂM THƠ


 Trong tuyển thơ Mười năm đầu thế kỷ XXI, Bắc Giang có hai tác giả: Tô Hoàn và Nguyễn Hoạt. Lục bát đời thường của Nguyễn Hoạt cũng nhiều suy ngẫm về thân phận, thế sự: 
 Phù sinh cái kiếp nhạt nhoà
Rong rêu dẫu sạch vẫn là rong rêu
Chia ly là lúc mình yêu
Cái trong tử tế gặp nhiều gió mưa
 Sau Đêm mưa, bài thơ được chọn vào trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX, Tô Hoàn có bài thơ Tỉnh lẻ cũng vào loại nổi trội trong Tuyển thơ Mười năm đầu thế kỷ XXI: 
 Sông tỉnh lẻ chảy hoài không tới biển
Nước bao năm vẫn líu ríu chân cầu
Người lái đò bỏ khách chờ nhạt bến
Mải mê tìm í ới tận đâu đâu…                           
 Các nhà thơ Bắc Giang cũng đã có sự vươn tới, tu tâm luyện chữ, phấn đấu cho thơ hàm suc, tinh tế, có sự cách tân trong kết cấu hình tượng, trong diễn đạt. Một số tác giả, trong thơ có sự vận động rõ rệt, ví dụ: tác giả Đỗ Vinh, từ lâu anh đã bỏ vần điệu, đăng đối, câu thơ hàm súc, nhiều chiều liên tưởng:  
 Có đêm em khóc hay lụa mỏng
Có ngày em mặc hay lụa mặc
Bông hoa hồng bạch mặc gì nữa đây
Bông hoa huệ ấy trắng sau mỗi ngày…
       (Lụa trắng tên gì)
 Mười năm qua, Duy Phi tôi thêm mấy tập thơ. Trước đây, nhiều bạn thường quý tôi ở bài thơ Mẹ nuôi, gần đây nhiều bạn đọc quý bài Tự khúc,  về tứ tuyệt là bài thơ Nhà xưa: Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan/ Bể không người vục nước mưa tràn/ Xoã tóc soi tìm mình chẳng thấy/ Lạ lùng ai đó bóng thời gian! Tự mừng vậy nhưng cũng tự biết, thơ mình còn nhiều bài nhiều câu chưa đạt. Tôi có viết thêm mấy cuốn tiểu thuyết, khảo cứu biên dịch nhưng vẫn viết về các thi nhân, như Nguyễn Trãi, Trịnh Sâm… Đó cũng chỉ là một cách đi rộng ra miền biên viễn của thơ mà thôi. 
 Cách tân trong thơ, trước hết từ nhãn quan, ý tưởng, từ trong tứ thơ, sau mới đến những thủ pháp từ ngữ. Thơ hiện đại, có xu hướng cá thể hoá cao độ, bỏ qua sự rành mạch, chấp nhận cả sự kỳ bí, không có vần luật ổn định. Thơ hiện đại có nhiều câu thơ lạ: Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ - Lê Đạt, Ta khóc vọng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn - Nguyễn Quang Thiều… Nhà thơ  Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, sau cuộc giao lưu, hội thảo về văn học tại trường đại học Massachusettes gồm các giáo sư hàng đầu của Mỹ và đại diện một số nước, trong trả lời phỏng vấn, có nói về thơ ta hiện nay:  “Nhìn ở góc độ nào đó thì khát vọng sáng tạo của nhiều người là quá ít và họ không đủ nghị lực, bản lĩnh để đi đến tận cùng con đường sáng tạo”.        
   Chợt nhớ, về cuộc hội thảo thơ tại Hải Phòng vừa qua.
  Nhà thơ Bằng Việt, có vẻ đồng tình nhiều hơn với con đường của thơ ca, đi lên bằng sự tiến hóa - évolution, tiến hoá từ thấp lên cao, chứ không lật đổ bạo liệt theo kiểu cách mạng - révolution. Nhìn ra thế giới, nhà thơ Bằng Việt khẳng định: Chủ nghĩa hậu hiện đại không còn là cái đích của thơ, xu hướng chung là chủ nghĩa tân cổ điển, “Để dễ hình dung, ta cứ tưởng tượng như ta đang thắp nén hương vòng, khi cháy hết vòng cũ thì hương sẽ tự động cháy lên đến vòng mới cao hơn”. Tomas Transtromer (Thuỵ Điển), Giải Nobel Thơ 2011, thơ của ông không hề phủ định thơ truyền thống, cái chính là tư duy thơ sâu sắc, độc đáo.     
   Trong hội thảo, có một tác giả nói: Thơ Việt Nam trì trệ. Vũ Quần Phương, một nhà thơ hiểu biết nhiều về thơ thế giới, nói: Vấn đề khó so sánh, thơ Việt Nam không trì trệ đâu. Tự liên hệ, thơ Bắc Giang mười năm đầu của thế kỷ XXI cũng không trì trệ, đã có một bước tiến mới, đội ngũ đông lên, tác phẩm ngày càng đa dạng, có chất lượng. Một số nhà thơ đã có giọng điệu riêng rõ rệt, bước đầu đã có sự tự cách tân. Cùng với một số tác giả đã được khẳng định, một số tác giả nhiều nỗ lực, có một thành tựu đáng kể trong mấy năm gần đây: Tô Hoàn, Đỗ Vinh, Đoàn Nguyên, Trịnh Kim Hiền, Tân Quảng, Nguyễn Hoạt, Kim Ô, Đặng Tiến Huy, Chu Ngọc Phan, Vũ Từ Sơn, Trần Hồng Minh, Vũ Hoàng Nam, Thân Văn Tập…
   Có 9 điều, tôi luôn suy đi ngẫm lại:
1. Nhiều bài thơ khởi đầu từ cảm hứng trực giác, nhưng làm sao cho thơ cao hơn trực giác, có chất trí tuệ.
2. Có chùm thơ đề tài, nhưng cũng tự cảnh giác, thận trọng khi lặp lại đề tài, kẻo luẩn quẩn, giẫm chân tại chỗ, giẫm lên dấu vết mình hoặc dấu vết người khác.   
3. Viết thơ mới, tránh gò gẫm vần luật. Viết thơ mới, gần với văn xuôi, nhưng vẫn phải kiệm từ đến không thể kiệm hơn nữa.
4. Có những bài thơ lo trình ra đại chúng, nhưng cũng phải có thơ không đại chúng, có thể là khó kiểu, kỳ bí.  
5. Có những bài thơ hữu dụng, nhưng có cả thơ chỉ là kỷ niệm riêng, thoả niềm riêng, không nhằm tới một mục đích rõ rệt.
6. Nên ít thơ theo ý thức lập trình cấu tứ chặt chẽ, tăng thêm phần thơ ngẫu hứng, tuỳ hứng, phóng túng, mong gặp bất ngờ của vô thức.
7. Người làm thơ vẻ nhàn nhã nhưng tâm chẳng nhàn, bởi sống chỗ quen thuộc mà thấy xa lạ, có bạn tình mà cô đơn, sống đời thực mà mơ mòng lãng đãng.
8. Đổi mới, với tôi vẫn phải giữ căn cốt của mình. Năng xê dịch nhưng có điểm không xê dịch.
9. Người làm thơ đôi khi kỳ quặc, song chân thiện mỹ là mục tiêu, cần giữ trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội.     

                                                                       Tháng  11/ 2011
                                                                                 D.P

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

THƠ TAM TUYỆT - NGUYỄN ĐỨC TÙNG



                                                                         

                                        NT NGUYỄN ĐỨC TÙNG

NGUYỄN
ĐỨC TÙNG

  Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị. Thuyền nhân. Bác sĩ y khoa, Đại học Mac Master, thường trú các bệnh viện Toronto, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ giáo dục, Đại học UBC, Vancouver. Làm việc tại một bệnh viện ở Vancouver, Canada.
Tác phẩm Thơ, tiểu luận, phỏng vấn, đăng trên các tạp chí Việt, Hợp Lưu, Làng Văn, Thơ, Chủ Đề, các báo liên mạng như văn học nghệ thuật, tiền vệ, talawas, da màu. In thơ trong tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Văn, 2004, và có jì dùng jì, NXB Giấy vụn, Sài Gòn, 2007. Tập sách phê bình Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn, NXB Tự Lực, Cali, 2007.

Bảy năm 

Mất bảy năm trời
Anh mới tìm ra chỗ ngồi thuận tiện

Trong căn bếp của mình.


Tam tuyệt 1

1. BUỔI TRƯA

Lên cao
Cánh diều
Thôi lảo đảo

2. MÙA XUÂN

Một đứa bé
Chạy rất nhanh
Thoát khỏi cái bóng của mình

3. KỶ NIỆM TUỔI NHỎ

Trên đường
Một đứa bé
Đá nhầm cái bọc

Đã ngừng khóc oe oe


Tam tuyệt 2

1. GIÓ ĐẦU MÙA

Chưa tìm thấy hướng
Con gà trên nóc nhà
Xoay đủ kiểu

2. NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN XÔI

Chị bị ngã trượt chân
Bầm mặt

Nhưng ngày nào chị cũng ngã


                                                                             


3. TRONG NHÀ THỜ

Ngừng cầu nguyện
Không tìm thấy lối ra
Một con chim bay cuống quít trên nóc nhà

CHÙM ẢNH TUYỆT VỜI




http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153152/?page=2





NHỮNG TẤM ẢNH 
CÓ MỘT KHÔNG HAI

        (Phần đầu)


 Nguồn: NGUYỄN KHÔI



  http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153112/?page=0
 
 
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153154/?page=2
 
  
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153125/?page=0
 
 
 http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153124/?page=0
 
 
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153111/?page=0
 
 
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153123/?page=0
 
 
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153129/?page=0

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

CHÙM THƠ CHÚC MỪNG CÁC NHÀ GIÁO (20/ 11)







                                 ĐỀN THƠ MỚI
        CHÚC MỪNG CÁC NHÀ GIÁO


                                                                   



Thơ của năm 
tác giả gốc nhà giáo 



KIM Ô

CHO

Bàn tay ngửa giữa cuộc đời
Dù chưa cho đã được lời cầu vinh
Làm ơn một chút nhân tình
Cho là được thứ hơn mình đã cho.

CHU NGỌC PHAN

CHỮ THẦY

Không thầy ai dạy chữ cho?
Ai người thắp sáng lời thơ tiếng cười
Vẫn đây nét chữ nết người
Cho tôi vững bước giữa đời mà đi...


                                                                             

ĐẶNG TIẾN HUY

LĂNG KHẢI ĐỊNH

Đã lên thì phải ngẩng chầu
Ra về lưng gập, cúi đầu ko rơi
Sống tham tóm cả đất trời
Chết rồi còn muốn bắt nggười noi theo.

ANH VŨ

KIỀU

Anh luôn miệng ngâm nga anh mê đắm Kiều
Giá đem Kiều gả cho anh, anh sẽ chối đây đẩy
Thuận mà nghịch,
                 nghịch mà thuận, đời là lẽ vậy
Ai đâu cưới được chân trời.

DUY PHI

MAI

Cuối năm được bạn tặng mai
Biết chưa xứng vẫn chăm hoài đợi xuân
Đón giao thừa rũ phong trần
Trắng trong học lại đôi vần cùng hoa.